Lãi suất gói hỗ trợ nhà ở giảm còn 5%
Chính sách “xông đất” thị trường địa ốc 2014 là quyết định của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hỗ trợ tín dụng trong gói cho vay 30.000 tỷ đồng từ 6% xuống còn 5%.Cụ thể, chiều ngày 02/01/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 21/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013.
Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 (gói 30.000 tỷ đồng) là 5%/năm.Như vậy, mức lãi suất mới áp dụng các đối tượng vay theo diện được hỗ trợ nhà ở giảm 1% so với mức lãi suất áp dụng trong năm 2013.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự điều chỉnh là dựa trên thực tế giải ngân gói tín dụng khá chậm trong suốt năm qua. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng và NHNN, tính đến giữa tháng 12/2013, giá trị giải ngân gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở mới chỉ đạt 555 tỷ đồng, trong tổng số 1.654 tỷ đồng cam kết.
Quyết định trên bước đầu đã tháo bỏ phần nào tâm lý lo lắng cho cả doanh nghiệp có sản phẩm trong diện chính sách và khách hàng. Việc hạ lãi suất gói tín dụng tuy chỉ 1% nhưng đối với nhiều DN địa ốc đã có dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội gia tăng thêm sự cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt theo dự báo trong năm 2014 - 2015 nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ tung ra sản phẩm mới.
Đối với người dân, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ vẫn là cơ hội tốt để có được chốn an cư. Chỉ có điều qua thời gian cơ hội này ngày càng giảm hấp dẫn bởi những rắc rối khó gỡ từ thủ tục. Vấn đề không chỉ dừng lại ở mức lãi suất cao hay thấp mà là ở hệ thống các quy định, thủ tục quy định vẫn chưa thực sự tạo cơ hội mở cho người dân.Cùng với việc giảm lãi suất người dân vẫn đặt ra những mong muốn về thủ tục sẽ được “nới lỏng” trong thời gian tới để việc tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ thực sự là cơ hội chứ không chỉ là những con số treo trên giấy chỉ mà kết quả chỉ nhúc nhích theo từng năm.
Cho phép phân lô, bán nền
Từ ngày 5/1, Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11/NĐ - CP đã có hiệu lực.
Theo đó, Nhà nước cho phép các chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư xong hạ tầng mà không cần phải xây thô.
Các dự án được phân lô, bán nền phải đảm bảo được các tiêu chí là không nằm trong khu vực trung tâm của đô thị; không nằm cạnh các công trình điểm nhấn kiến trúc; dự án không có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc; những dự án không nằm trên mặt đường của các trục đường khu vực 16m trở lên.
Ngoài 4 tiêu chí trên thì những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ không được tự phân lô, bán nền phải kiểm soát chặt về quy hoạch kiến trúc và trật tự xây dựng
Nhìn vào thực tế, thị trường bất động sản khó khăn, nếu chiếu theo quy định cũ, các dự án đô thị muốn chuyển nhượng chủ đầu tư phải thực hiện cả việc xây thô. Như vậy, giá chuyển nhượng bao gồm cả tiền xây thô sẽ cao hơn, không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Việt Chiến - Cục trưởng Cục quản lý và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư cho rằng, trước kia, việc cấm phân lô, bán nền nhằm kiểm soát về trật tự đô thị, nhưng thực tiễn xảy ra là thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn. Bất cập ở chỗ những nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, hoàn thiện nghĩa vụ tài chính lại không đủ năng lực tiếp tục xây thô sản phẩm để bán. Về phía người dân, khi mua sản phẩm đã có nhà phải trả giá cao hơn. Mặt khác, không phải ai cũng có điều kiện để mua cùng lúc cả đất lẫn nhà.
Hiện việc phân lô bán nền không chỉ dừng ở nghị định mà được Luật Đất đai thông qua, tức được nâng tầm thành luật với mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân.Với quy định này, theo nhiều đánh giá có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư giúp đẩy thanh khoản sản phẩm trên thị trường.Đầu năm 2014 thị trường BĐS có những tín hiệu tích cực với nhiều giao dịch thành công. Chính sách mới vẫn cần thời gian ngấm cùng độ trễ chính sách để phát huy tác dụng. Đi từ chính sách thị trường BĐS năm 2014 có dần khởi sắc. Liệu “xuân” đã thực sự về với bất động sản?
Hồng Khanh.